Lịch sử văn hóa
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi hội tụ khí thiêng đất Việt. Trong hệ thống thần điện của kinh thành Thăng Long xưa có sự góp mặt của thần linh bốn phương. Trong số những vị thần linh ấy, thần Đồng Cổ là một trong những vị thần linh có vị trí quan trọng ở kinh thành Thăng Long.
Truyền thuyết và sử sách cho biết Nguyên Xá là vùng có dân tụ cư lâu đời. Tại đây vào những năm 1970, các nhà khảo cổ đã phát hiện và khai quật di tích Ngọa Long – Một trong số ít những di tích ở khu vực Hà Nội thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Với vị trí cửa ngõ phía Tây kinh thành Thăng Long trong thời phong kiến, Nguyên Xá là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng, nơi đây cũng từng được triều đình ban tặng 4 chữ “Thuần phong mỹ tục” - Một minh chứng về truyền thống văn hóa của cộng đồng.
Miếu Đồng Cổ - Nguyên Xá nhìn từ bên ngoài
Miếu Đồng Cổ trước đây được xây dựng trên một gò đất cao ở đầu làng Nguyên Xá (nay thuộc phường Minh Khai - quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) theo thế “quy xà” với gò cao ở giữa. Đền nằm quay hướng về phía Đông, hướng về phía kinh thành Thăng Long. Ngôi miếu Đồng Cổ có khuôn viên khá khiêm nhường nằm ẩn mình trong khu vườn muỗm cổ thụ, song lại hàm chứa sâu xa những giá trị lịch sử - văn hoá gắn với triều đại nhà Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Về vị thần được thờ, theo nội dung sắc phong, ngài là Đương Cảnh thành hoàng giám thệ vương Đồng cổ Sơn thần tức thần Đồng cổ - vị thần “Hộ dân bảo quốc”. Truyền thuyết dân gian trong vùng còn ghi lại: vào thời Hai Bà Trưng, các nghĩa sĩ Thanh Hoá trên đường ra Hát Môn tụ nghĩa dưới cờ của Trưng Trắc, Trưng Nhị đã mang theo vị thần của địa phương mình là Đan Nê, Yên Định, Thanh Hoá, khi qua Nguyên Xá, nơi có không gian uy nghiêm, trang trọng nên họ đã lập đền thờ thần. Đến thời Lý, vua Lý Thái Tổ trên đường kinh lý, tới địa phận Phương Canh (khoảng ngã tư Canh), voi bỗng bị cắm ngà xuống đất không thể đi được. Vua liền cho xem xét, tới thôn Nguyên Xá, thấy ngôi miếu Đồng Cổ liền chiêm bái, voi lại đi được. Kể từ đó, vua thường lui tới miếu Đồng Cổ. Song, có lẽ phải đến đời vua Lý Thái Tông, miếu Đồng Cổ mới thực sự được đặc biệt chú trọng, bởi chính thần Đồng Cổ đã báo mộng cho vua về nội loạn Tam vương.
Thần Đồng Cổ là vị thần ở Phủ Thanh Hóa - vị thần đầu tiên được đích thân vua Lý Thái Tông rước về kinh thành Thăng Long, việc này đã đặt ra nhiều vấn đề có liên quan đến hệ thống thần điện đất kinh kỳ Thăng Long. Đằng sau bức màn hư ảo của huyền thoại Thần Đồng Cổ giúp vua Lý đánh giặc, dẹp loạn cung đình, thống nhất vương triều cho thấy: việc định đô ở chốn trung tâm của đất nước, mưu việc lớn là việc thuận lòng dân và thuận “lòng thần”. Việc thần Đồng Cổ tham gia hệ thống thần điện Thăng Long cho thấy phần nào sức cuốn hút, quá trình hội nhập và sự thống nhất văn hóa của vùng đất Thăng Long từ buổi đầu định đô nghìn năm trước.
Vào năm 1908, di tích là nơi được nhà yêu nước Lương Văn Can - thủ lĩnh phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục chọn làm nơi giảng bài, giác ngộ tinh thần yêu nước. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đây là điểm tập kết của các dũng sĩ cảm tử trước khi tiến về Việt Bắc xây dựng căn cứ địa kháng chiến trường kỳ.
Trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn những giá trị lịch sử - văn hoá của di tích, vào cuối năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với ngành văn hoá Hà Nội tiến hành điều tra, khai quật di tích đền Đồng Cổ. Trải qua thời gian tồn tại, thật khó có thể hình dung diện mạo ngôi miếu được sử sách ghi chép và dân gian lưu truyền. 9 hố thám sát và khai quật với tổng diện tích khoảng 150m2 được xác định tập trung chủ yếu ở gò đất cao sau miếu. Các hố đào sâu từ 1m đến 1,8m đã tìm thấy dấu tích các lớp kiến trúc, văn hoá, mộ táng giai đoạn Đông Sơn - Hán, thời Trần, thời Lê...
Trong các thời kỳ lịch sử sau đó, ngôi miếu vẫn là chốn linh thiêng, vị thần núi Đồng Cổ được trọng vọng tôn thờ, thể hiện qua hơn 60 đạo sắc phong từ đời Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn; và đặc biệt đã in đậm trong tâm thức dân gian. Nay chỉ còn ghi trong Ngọc phả, hiện vật còn 13 đạo sắc, trong đó đạo sắc xưa nhất là của năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1801). Thời Nguyễn có 7 đạo sắc, gồm các năm: năm Gia Long thứ 9 (1810), năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), năm Thiệu Trị thứ 6 (1845), năm Tự Đức thứ 3 (1851), năm Thành Thái thứ 15 (1904), năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), năm Duy Tân thứ 3 (1909).
Phía sau tam quan Miếu Đồng Cổ - Nguyên Xá
Miếu Đồng Cổ - Nguyên Xá nằm trên một khu đất cao có nhiều cây muỗm cổ thụ. Sau tam quan là tượng đôi voi quỳ chân trước, cùng rập đầu ở hai bên bức bình phong đắp cuốn thư. Qua sân rộng lên nhà tiền tế năm gian lợp ngói mũi hài, bên trong có nhiều mảng hoa văn đẹp mang phong cách kiến trúc thời Lê. Hai bên có hai nhà giải vũ song song, qua sân nhỏ đến hậu cung hai tầng tám mái, các đầu mái có đao uốn cong đắp nổi hình rồng. Bên trong đền còn lưu giữ được nhiều di vật quý như một số bát sứ chân cao hiệu Thanh Hòa (thế kỷ 15), 4 đôi lọ lục bình đời Khang Hy (thế kỷ 18), các đồ sứ men trang trí thế kỷ 18 và 19 ở Huế. Miếu Đồng Cổ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1989 tại Quyết định số 100 VH/QĐ ngày 21/01/1989.
Dấu tích thời gian vẫn còn in đậm tại di tích này. Ngày 24/6/2016, UBND phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm đã trang trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận 14 cây Muỗm cổ thụ thuộc khuôn viên miếu Đồng Cổ và chùa Thanh Lâm - làng cổ Nguyên Xá là Cây Di sản Việt Nam. Đây là sự kiện ý nghĩa, không chỉ trực tiếp bảo vệ cảnh quan môi trường, mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc về văn hóa - lịch sử, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết yêu nước, biết trân trọng quá khứ, tự hào về truyền thống quê hương.
Trải qua thời gian và bao thăng trầm của lịch sử, di tích miếu Đồng Cổ - Nguyên Xá đã được bao thế hệ nhân dân địa phương bảo vệ, gìn giữ. Di tích được tu bổ, tôn tạo với quy mô và diện mạo ngày càng khang trang hơn; đồng thời phát huy giá trị lịch sử - văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, hướng về cội nguồn trong nhân dân, để ngày nay, khi nhìn lại cội nguồn lịch sử, mỗi người đều tự hào về truyền thống của mảnh đất tràn đầy hào khí này.
Cùng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa ý nghĩa khác trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, di tích miếu Đồng Cổ là niềm tự hào của nhân dân, là minh chứng, là dấu tích của truyền thống lịch sử và văn hóa được nhân dân lưu truyền lại. Các thế hệ người dân Minh Khai nói riêng và nhân dân quận Bắc Từ Liêm nói chung đã và đang chung tay bảo vệ, gìn giữ, tu bổ, tôn tạo các di sản của cha ông để lại. Tại đây vào những dịp lễ quan trọng trong năm, nhân dân Nguyên Xá vẫn gìn giữ, bảo tồn những truyền thống riêng có của địa phương, trong đó có lễ tế Thần Nông - vị thần rất gần gũi trong đời sống nông nghiệp lúa nước của Việt Nam. Đây là sinh hoạt văn hóa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện mong muốn cuộc sống lao động, sản xuất mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời góp phần giáo dục tính cộng đồng, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa trong các thế hệ nhân dân Nguyên Xá.
Bắc Từ Liêm là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; đây là vùng đất sản sinh và lưu giữ những giá trị văn hóa tiêu biểu, đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều công trình có giá trị văn hóa, kiến trúc lịch sử quan trọng và nổi tiếng; nhiều sản phẩm nông nghiệp có bản sắc riêng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm lần thứ nhất, nhằm đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, quận Bắc Từ Liêm đã ban hành Chuyên đề số 05-CĐ/QU ngày 28/12/2016 về việc “Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch quận Bắc Từ Liêm giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”. Chuyên đề đã đánh giá thực trạng và giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, đồng thời xác định việc xây dựng điểm tham quan di tích Miếu Đồng Cổ là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trong các tour du lịch trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm trong tương lai. Đến với miếu Đồng Cổ, du khách không chỉ được thưởng ngoạn không gian lịch sử - văn hóa với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, mà còn hiểu hơn về khát vọng độc lập, hòa bình, tinh thần đoàn kết cộng đồng của cha ông ta trên hành trình dựng nước và giữ nước./.